Không có gì thất lễ với quan khách bằng việc gửi cho họ tấm thiệp cưới đẹp nhưng lại có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa thông tin. Trước khi in thiệp cưới hàng loạt, bạn nên cùng ông xã tương lai kiểm tra lại thật kỹ thông tin về ngày cưới của mình, nhờ ba mẹ, anh chị em kiểm tra giúp xem có sai sót hay không trong cách viết thiệp cưới.
Đây là phần thông tin thường bị sai và dễ gây tranh cãi nhất trong cách viết thiệp cưới. Đối với gia đình theo đạo Công giáo, tìm hiểu chính xác tên Thánh và đặt tên Thánh vào trước tên cha mẹ, tên cô dâu chú rể. Hiện nay, một số đám cưới Phật tử cũng đưa Pháp danh của cha/mẹ cô dâu chú rể vào thiệp.
Với gia đình có cha hoặc mẹ đã qua đời hoặc vì lý do nào đó không có mặt trong lễ cưới, bạn nên tham khảo cha mẹ mình có muốn để tên người đã mất lên thiệp mời đám cưới hay không.
Nếu người cha qua đời, cách viết thiệp cưới như sau: Bà quả phụ: [Họ tên Cha]. Nhũ danh: [Họ tên Mẹ]. Nếu cả ba mẹ đều qua đời, cô dâu chú rể muốn để tên cha mẹ vào thiệp cưới của mình thì dùng từ Cố phụ: [tên Cha], Cố mẫu: [tên Mẹ]. Hoặc có thể ghi đầy đủ tên Cha Mẹ trên thiệp, bên dưới ghi chú thêm Đã mất/Đã qua đời, hoặc trang trọng hơn thì ghi Song thân quá vãng.
Nếu không tiện ghi tên cha mẹ trên đầu tấm thiệp cưới, bạn có thể để tên người chủ hôn là anh lớn trong nhà, hoặc chú bác đại diện trong gia đình.
Nếu cô dâu chú rể là con một thì ghi là Ái nữ hoặc Quý Nam. Nếu là con trưởng thì ghi Trưởng Nữ, Trưởng Nam. Nếu là con thứ thì ghi Thứ Nam, Thứ Nữ. Con út thì ghi Út Nam, Út Nữ.
Nếu gia đình có Đạo thì ghi tên Thánh trước họ tên cô dâu và chú rể. Để đơn giản hơn, có người chỉ ghi Cô dâu [Họ tên], Chú rể [Họ tên] mà không ghi thứ bậc cụ thể trên thiệp cưới.
Cách viết thiệp cưới có hai phần cần chú ý là thông tin lễ cưới và thông tin tiệc cưới,các bạn cần viết ra thông tin chính xác của lễ cưới để việc in ấn được chính xác. Chú ý một chút, bạn sẽ thấy các thiệp cưới hiện nay ghi rõ ràng Lễ Vu Quy, Lễ Tân hôn, Lễ Thành hôn. Mỗi cái tên đều có ý nghĩa nhất định:
Là buổi lễ tổ chức tại Nhà gái, đãi đằng toàn bộ gia đình, họ hàng nhà gái, đồng thời chính thức thông báo về việc cô dâu sẽ rời gia đình để bắt đầu cuộc sống riêng bên chồng. Trong ngày này, bảng tên “Lễ Vu Quy” được treo trên cổng hoa, trong gian thờ gia tiên.
Đối với các gia đình ở miền Nam, lễ Vu Quy tổ chức trước ngày rước dâu, thiệp cưới được ghi rõ “Trân trọng mời quan khách đến tham dự lễ Vu Quy của con gái tôi…”. Tại lễ “Vu quy”, cô dâu chú rể cùng nhau thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, làm lễ lên đèn, sau đó bái lạy ông bà, cha mẹ, chú bác…
Buổi lễ tổ chức tại Nhà trai, sau khi nhà trai qua nhà gái làm lễ rồi rước cô dâu về nhà chồng. Đại diện nhà gái cũng sang nhà trai trong ngày lễ này gọi là “lễ đưa dâu”, nhưng số lượng ít, chỉ từ 7 – 15 người là người thân, ruột rà với cô dâu. “Lễ Tân hôn” được sử dụng phổ biến hơn ở các tỉnh miền Nam và xuất hiện trên biển treo tại cổng, phông cưới ở nhà chú rể.
Theo phong tục cưới dưới quê, nhà gái và nhà trai tổ chức lễ khác nhau nên trên thiệp cũng ghi rõ tính chất buổi lễ là Vu quy hay Tân hôn. Nhưng với các cặp vợ chồng sinh trưởng tại thành phố lớn, hoặc một số cặp đôi dân tỉnh nhưng sống và làm việc tại đô thị lớn, họ thường tổ chức thêm buổi tiệc để đãi đồng nghiệp, những người không thể về quê chung vui được. Lúc đó, cô dâu và chú rể cùng đãi một buổi tiệc, cùng mời quan khách hai bên gia đình. Lễ này gọi chung là lễ Thành hôn.
Do đó, để tránh thất lễ khi ghi thông tin thiệp cưới, bạn căn cứ vào tính chất buổi lễ mà mình mời khách để quyết định chọn từ cho đúng. Tuy nhiên, cũng đừng nên quá căng thẳng về việc này. Nhiều gia đình không câu nệ cách dùng từ, họ sử dụng cụm từ “… mời đến buổi tiệc rượu chung vui cùng gia đình” vẫn được quan khách chấp nhận.
Ngày giờ cử hành hôn lễ là ngày làm lễ rước dâu về nhà trai. Giờ này ghi trên thiệp chủ yếu là để thông báo cho bà con họ hàng thân thiết thôi. Ngày giờ cử hành hôn lễ này nên được viết rõ cả ngày dương lẫn ngày âm lịch.
Đối với cô dâu chú rể có đạo, có tổ chức lễ Thánh ở nhà thờ thì ghi rõ giờ làm lễ và tên Thánh Đường để quan khách cùng đạo đến tham dự và chúc phúc.
Đây là phần khách mời quan tâm nhất vì ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Tốt nhất, bạn ghi rõ thông tin sảnh đãi cưới, nhà hàng tiệc cưới nơi mình tổ chức tiệc, địa chỉ chính xác (tên đường, phường, quận, tên sảnh cưới). Nếu đãi cưới tại nhà cũng nên ghi đầy đủ thông tin như trên.
Nội dung thiệp cưới nên có bản đồ ghi rõ địa điểm nổi bật dễ thấy nhất gần nơi đãi cưới (ví dụ nơi đãi cưới cách ngã tư đường, trung tâm thương mại, nhà thờ, chùa… bao nhiêu mét chẳng hạn). Tốt nhất là có thêm ước lượng độ dài đoạn đường để khách dễ hình dung.
Nếu bạn có điều kiện tổ chức cưới dưới quê, in thiệp và ghi tên khách mời trang trọng theo kiểu truyền thống, và có lễ Thành hôn tại thành phố để đãi đằng bạn bè đồng nghiệp theo phong cách vui nhộn thì quá lý tưởng. Bạn tha hồ sáng tạo để thiệp cưới của mình trẻ trung, vui nhộn và tạo dấu ấn.
Chẳng hạn, có cặp đôi dùng từ “Lễ chống ế” cho lễ Thành hôn của mình, hoặc Nghệ sĩ Cù Trọng Xoay với tấm thiệp cưới ghi “Lãi rồi” vui nhộn. Nhưng nếu mời người vai vế lớn, họ sẽ bực bội với cách viết thiệp cưới trẻ trung thế này. Do vậy, bạn phải cân nhắc về kiểu thiệp mời, cách xưng hô khi mời cưới.
Yếu tố quan trọng hàng đầu khi mời cưới là lập danh sách khách mời. Đối với họ hàng, người thân lớn tuổi như ông bà, cô dì, chú bác, hàng xóm lớn tuổi… bố mẹ nên là người đứng ra mời, thể hiện sự tôn trọng dành cho những người lớn tuổi và sự trân trọng của gia đình.
Với họ hàng là anh chị em họ đồng vai phải lứa với bạn, bạn có thể đứng tên mời hoặc nhờ anh chị em ruột gửi thiệp, chuyển lời mời giúp. Đối với bạn bè, đồng nghiệp là khách của bạn, bạn và chồng gửi thiệp và có lời mời chính thức là tốt nhất.
Cách dùng danh xưng mời khách thể hiện thái độ và phong cách của chủ tiệc, gây ấn tượng đầu tiên cho khách tham dự, do đó bạn phải cân nhắc rất kỹ cách dùng từ. Cách ghi thiệp cưới hay thấy của người Việt Nam là anh A + …, hoặc chị B + … Thay vào đó, bạn nên ghi cụ thể ra tên khách mời và người kèm theo, chẳng hạn:
Nếu là thiệp bố mẹ mời họ hàng: Bên ngoài phong bì ghi Kính mời: Bác ABC, bên trong ghi Kính mời: Hai bác và gia đình. Nếu khách mời có vợ/chồng đã mất thì chỉ ghi 1 người, tránh ghi hai bác, cô chú.
Khách mời là bạn bè: Ghi cụ thể tên người được mời, chẳng hạn mời Gia Nghi, Trúc Lâm… hoặc ghi Kính mời: Bạn.
Khách mời đã có gia đình: Ghi rõ Mời vợ chồng anh chị [tên người mình quen] đến tham dự lễ cưới, hoặc ngoài bì thư ghi Kính mời: Anh A, bên trong ghi Kính mời: vợ chồng anh A và bé (nếu muốn mời cả gia đình)
Khách mời độc thân và chưa biết người ấy có đi cùng người yêu hay không thì nên chọn cách ghi thiệp cưới tinh tế: Ngoài bìa ghi Kính mời: Anh A, bên trong ghi Kính mời: Anh A và người ấy đến tham dự…
Nếu đám cưới của bạn thiết kế theo theme cụ thể và bạn muốn khách mời ăn mặc đúng theme cưới thì cách viết thiệp cưới tốt nhất là ghi rõ: Xin vui lòng mặc trang phục theo màu xanh để phù hợp không khí buổi tiệc. Nếu không muốn có trẻ con trong đám cưới của mình, bạn ghi cụ thể “Vì tính chất trang trọng của buổi tiệc, xin vui lòng không đưa trẻ em theo cùng“, hoặc “Ghế ngồi sẽ được ghi chính xác theo số lượng khách mời trên thiệp”